Bác sĩ Trần Quốc Khánh vừa phẫu thuật thành công đưa 2 bên tinh hoàn ẩn trong ống bẹn về đúng vị trí cho một bệnh nhi 8 tuổi.
Phẫu thuật tinh hoàn ẩn 2 bên cho bệnh nh 8 tuổi
Trước đó, bé Đ.M.V (8 tuổi) được phát hiện tinh hoàn ẩn từ lúc mới sinh, nhưng vì nhiều lý do khách quan, gia đình chưa cho bé đi viện để thăm khám. Đến khi bé 8 tuổi thì gia đình được người thân giới thiệu tới thăm khám tại Phòng khám Ngoại khoa và Nam khoa Mega Med để kiểm tra và tham vấn ý kiến bác sĩ về phương án điều trị, tránh những biến chứng ảnh hưởng đến khả năng sinh sản sau này.
Qua thăm khám ban đầu, bé V. được xác định bị tinh hoàn ẩn ở hai bên nên ngay sau đó đã được ThS. BSCKI Trần Quốc Khánh - chuyên gia Nam học Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và chỉ định phẫu thuật hạ tinh hoàn tại Bệnh viện. Vị trí 2 tinh hoàn qua siêu âm đều được xác định nằm trong ống bẹn của bệnh nhân.
Bệnh lý tinh hoàn ẩn nếu để lâu không điều trị sẽ khiến tinh hoàn thay đổi về mô học, từ đó tiềm ẩn nhiều nguy cơ như teo tinh hoàn, xoắn tinh hoàn, vô sinh, ung thư… Nên ngay lập tức, ekíp và bác sĩ tiến hành hội chẩn và thực hiện phẫu thuật hạ tinh hoàn ẩn, khôi phục khả năng sinh sản và phòng tránh những biến chứng nguy hiểm cho bệnh nhi
Từ một vết mổ nhỏ ở vùng bẹn, bác sĩ đưa dụng cụ vào để tìm tinh hoàn trên ống bẹn và kéo xuống bìu. Nhờ công tác chuẩn bị kỹ lưỡng cũng như sự khéo léo, chuẩn xác của cả ekip, ca mổ diễn ra thuận lợi và kết thúc thành công sau hơn 60 phút, đạt được đúng mục tiêu ban đầu là đưa 2 bên tinh hoàn đi lạc trở về đúng vị trí.
Chưa đầy 12 tiếng sau ca phẫu thuật hạ tinh hoàn, bé V. đã hồi phục hoàn toàn. Bé trở lại ăn uống, sinh hoạt bình thường và đã được xuất viện ngay sau 2 ngày phẫu thuật.
Bác sĩ tiến hành phẫu thuật hạ tinh hoàn cho bệnh nhi
Bác sĩ Trần Quốc Khánh cho biết, tinh hoàn ẩn là bệnh lý phổ biến, xuất hiện ở khoảng 3% trẻ sinh đủ tháng và 30% trẻ sinh non. Tinh hoàn là nơi sản xuất ra hormone nam và tinh trùng, ban đầu phát triển trong ổ bụng, cạnh thận. Trong quá trình thai nhi lớn dần trong bụng mẹ, hai tinh hoàn di chuyển từ vùng bẹn xuống dưới bìu. Nhưng ở một vài bé trai, quá trình đi xuống của một hoặc cả hai tinh hoàn không hoàn chỉnh, khiến tinh hoàn nằm dọc theo đường đi từ bẹn xuống bìu.
Qua thăm khám và siêu âm, bác sĩ có thể chẩn đoán phát hiện tinh hoàn ẩn cho bé ngay sau sinh. Có trường hợp tinh hoàn ẩn tự di chuyển xuống bìu trong vòng vài tháng đầu đời của trẻ. Nếu không điều trị, bệnh lý tinh hoàn ẩn có thể khiến tinh hoàn thay đổi về mô học hay ra các biến chứng: thoát vị bẹn, tổn thương tinh hoàn, xoắn – hoại tử tinh hoàn, vô sinh, ung thư… Phẫu thuật hạ tinh hoàn được khuyến cáo tiến hành trước khi trẻ được 2 tuổi, có thể sớm hơn (sau 6 tháng tuổi). Đối với những trẻ có tinh hoàn không phát triển, phẫu thuật viên sẽ phải cắt bỏ tinh hoàn.
Trước khi can thiệp ngoại khoa, trẻ cần được thăm khám kỹ để đánh giá tình trạng tinh hoàn ẩn. Trong trường hợp không sờ thấy tinh hoàn, cần xác định rõ có vắng tinh hoàn hay không. Ở một vài bé trai, tinh hoàn có thể không phát triển (bị teo) trước khi sinh do gián đoạn máu nuôi tinh hoàn.
Khả năng tái phát tinh hoàn ẩn có thể xảy ra. Khi đó, bệnh nhân cần được phẫu thuật lại để kéo tinh hoàn xuống. Để giảm thiểu nguy cơ tái phát, bệnh nhi cần sinh hoạt nhẹ nhàng, tránh các hoạt động quá mạnh như chạy nhảy, chơi thể thao đối kháng hay những động tác tác động trực tiếp lên vùng bẹn, bìu. Khi vết mổ đã lành hẳn, tinh hoàn đã được cố định, trẻ có thể trở lại sinh hoạt bình thường.
Sau phẫu thuật tinh hoàn ẩn, bên cạnh việc tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về chế độ vận động và sinh hoạt, trẻ cần được tái khám theo lịch hẹn. Việc làm này giúp bác sĩ theo dõi tinh hoàn có tiếp tục phát triển, hoạt động bình thường và giữ nguyên vị trí hay không. Nếu phát hiện bất thường, trẻ sẽ được can thiệp sớm giúp bảo toàn chức năng sinh sản và phòng tránh biến chứng, bác sĩ Khánh nhấn mạnh.