Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu trong Nam khoa, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng 90% thường gặp là từ 9-25 tuổi. Trường hợp này nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời sẽ dẫn đến nguy cơ tinh hoàn bị hoại tử hoặc không thể bảo tồn tinh hoàn (chiếm 70%). Chính vì vậy việc chẩn đoán và điều trị sớm là điều rất cần thiết để tránh những biến chứng đáng tiếc có thể xảy ra. Hãy cùng phòng khám Ngoại khoa và Nam khoa Mega Med tìm hiểu chi tiết vấn đề này trong bài viết dưới đây.
1. Xoắn tinh hoàn là gì?Bệnh này có phổ biến hay không?
Xoắn tinh hoàn là tình trạng thừng tinh bị xoắn quanh trục của nó làm thắt nghẹt mạch máu nuôi tinh hoàn, dẫn đến phù nề, sung huyết và hoại tử tinh hoàn. Bệnh được Delasiauve mô tả lần đầu năm 1840, đây là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây mất tinh hoàn ở nam giới.
Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi tuy nhiên thường xảy ra ở 2 độ tuổi chính: tuổi sơ sinh (chiếm khoảng 10-15%) và trẻ từ 9-17 tuổi
Bệnh chiếm khoảng 17% các trường hợp có biểu hiện sưng, đau tinh hoàn cấp. Tỉ lệ có thể bảo tồn tinh hoàn khá thấp, chỉ khoảng 5%. Đa số các trường hợp đều can thiệp muộn, không chẩn đoán được ngay từ thời điểm ban đầu ở cơ sở khám đầu tiên hoặc gia đình, bệnh nhân không rõ tình trạng bệnh nên không đi khám kịp thời.
Xoắn tinh hoàn phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ từ 9 - 17 tuổi
2. Phân loại xoắn tinh hoàn
Xoắn tinh hoàn được chia làm 2 nhóm chính:
- Xoắn ngoài tinh mạc: nhóm này thường gặp ở trẻ sơ sinh. Nguyên nhân là do dây chằng bìu cố định không hoàn toàn vào vách bìu, làm tinh hoàn xoay tự do ở trong bìu
- Xoắn trong tinh mạc: nhóm này thường gặp ở thanh thiếu niên (khoảng từ 9-25 tuổi). Do tinh mạc bám cao vào thừng tinh tạo cho tinh hoàn như hình chuông quả lắc, do đó tinh hoàn xoay quanh thừng tinh. Tình trạng này gặp ở 2 bên bìu vì vậy nguy cơ cả 2 tinh hoàn đều bị xoắn là rất cao. Sự co thắt của cơ nâng bìu là nguyên nhân dẫn đến tinh hoàn xoắn quanh trục của nó
Ngoài ra dựa theo cơ quan tổn thương có thể phân loại theo 1 cách khác :
- Xoắn hoàn toàn cả thừng tinh gây hoại tử cả tinh hoàn lẫn mào tinh hoàn. Loại này thường gặp chủ yếu
- Xoắn tinh hoàn đơn thuần: Khi có sự bất thường về cố định giữa mào tinh hoàn và tinh hoàn, dẫn đến tinh hoàn không được dính chặt vào mào tinh hoàn như bình thường. Có 1 mạc treo giữa tinh hoàn và mào tinh hoàn, tinh hoàn có thể xoắn quanh mạc treo trong khi mào tinh hoàn không bị tổn thương
- Xoắn mấu phụ của tinh hoàn: loại này tương đối ít gặp và thường không tổn thương nặng nề như 2 loại trên
Việc xác định xoắn tinh hoàn thuộc loại nào sẽ giúp bác sĩ có phương án phẫu thuật hợp lí, đạt hiệu quả cao nhất. Từ đó nhằm giảm thiểu những nguy cơ tổn thương tinh hoàn về sau cũng như ảnh hưởng đến tinh hoàn bên lành.
3. Dấu hiệu nhận biết, triệu chứng xoắn tinh hoàn?
- Thanh niên xuất hiện cơn đau đột ngột, dữ dội ở tinh hoàn, vùng bẹn bìu, đau làm cho trẻ có xu hướng gấp đùi lại và không dám cử động
- Với trẻ sơ sinh thì có dấu hiệu quấy khóc nhiều, trẻ lớn thường tự xác định được vị trí đau
- Kèm theo đau bìu là xuất hiện dấu hiệu bìu sưng to, nề, đỏ vùng da bìu tương ứng nếu thời gian mắc bệnh Lậu
- Tinh hoàn bị kéo lên cao hơn so với bên đối diện do thừng tinh xoắn bị rút ngắn lại, nắn vào tinh hoàn người bệnh thấy đau và đau khi nắn dọc theo ống bẹn lên trên.
- Bệnh nhân có thể xuất hiện đau vùng bụng dưới hoặc nôn mửa
- Đặc biệt lưu ý một số trường hợp xoắn tinh hoàn ở lứa tuổi thanh niên có thể chỉ gây đau không nhiều và bệnh nhân thường đến bệnh viện quá muộn, không có khả năng bảo tồn được tinh hoàn. Do đó cần chú ý tránh bỏ sót những trường hợp không điển hình, các bậc cha mẹ cần quan tâm cũng như hỏi han con cái thường xuyên để có thể phát hiện được những dấu hiệu nghi ngờ sớm nhất
- Khi xoắn kéo dài nhiều giờ, bệnh nhân có thể xuất hiện sốt và tăng bạch cầu cho thấy bệnh đã chuyển biến nặng lên, đã có những ảnh hưởng đến toàn thân. Gần như 100% những trường hợp xoắn tinh hoàn khi phát hiện ở thời điểm này không thể bảo tồn được tinh hoàn mà phải cắt bỏ để cứu tính mạng bệnh nhân
Ngoài ra cần khám và khai thác kĩ tiền sử và các bệnh lý phối hợp khác ở những trường hợp triệu chứng không rõ, dẫn đến dễ bỏ sót bệnh và lỡ mất “ thời điểm vàng” để cứu tinh hoàn như:
- Tình trạng giới tình có rõ ràng nam hay nữ
- Có thoát vị bẹn cùng bên không?
- Có thấy tinh hoàn xuống đến bìu ở cùng bên chưa hay chỉ sờ thấy bên lành hoặc không sờ thấy tinh hoàn ở cả 2 bên
- Đã có những đợt đau ở vùng ống bẹn hoặc vùng bìu nhưng tự khỏi…
- Khi khám bác sĩ có thể sờ thấy nút xoắn thừng tinh, cảm giác đau có thể tăng khi nâng nhẹ tinh hoàn lên, khiến cho bệnh nhân đẩy tay bác sĩ ra không cho khám. Đây cũng là dấu hiệu tương đối điển hình trong xoắn tinh hoàn.
4. Nguyên nhân gây xoắn tinh hoàn
Có rất nhiều nghiên cứu nhằm xác định các nguyên nhân gây nên bệnh lý xoắn tinh hoàn, trong đó phải kể đến :
- Do tinh hoàn không được cố định vững chắc ở trong bìu và di chuyển bất thường đặc biệt khi tinh hoàn nằm trong ống phúc tinh mạc.
- Thoát vị bẹn: theo một số công trình nghiên cứu đã chứng minh rằng, khối thoát vị khi di chuyển xuống bìu sau đó di chuyển trở lại vào ổ bụng đã kéo theo sự di chuyển của tinh hoàn trong ống bẹn gây nên xoắn tinh hoàn.
- Bất thường bẩm sinh: do tinh mạc bám cao vào thừng tinh hoặc bẩm sinh không có dây chằng bìu dẫn đến tinh hoàn dễ xoay quanh trục thừng tinh của nó gây xoắn tinh hoàn.
- Tinh hoàn lò xo: tinh hoàn lò xo là bệnh lí thường gặp ở trẻ nhỏ chủ yếu do dây chằng bìu không cố định vào vách bìu dẫn đến tinh hoàn thường xuyên di chuyển lên xuống qua ống bẹn như lò xo, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tinh hoàn dễ xoay quanh trục của nó gây xoắn
- Thời tiết lạnh: sự thay đổi thời tiết đột ngột từ nóng sang lạnh hoặc ở những nơi có sự chênh lệch nhiệt độ đột ngột giữa ngày và đêm làm cho cơ nâng bìu co thắt để đẩy tinh hoàn vào sát cơ thể, ủ ấm cho tinh hoàn. Việc co đột ngột cơ nâng bìu sẽ gây tình trạng xoắn tinh hoàn. Đây là lời giải thích cho những trường hợp xoắn tinh hoàn xảy ra trong lúc ngủ ở một số bệnh nhân.
- Chấn thương: Kể cả những nam giới không có sự bất thường bẩm sinh về bìu hay tinh hoàn thì cũng có thể mắc phải xoắn tinh hoàn do cơ chế chấn thương, làm có kéo đột ngột thừng tinh hoặc tinh hoàn dẫn đến xoắn tinh hoàn. Đa số những trường hợp này dễ chẩn đoán hơn vì có cơ chế gây bệnh rõ, ngoài ra bệnh nhân thường kèm theo tình trạng bầm tím vùng da bìu ở bên ngoài hoặc các tổn thương bầm dập tụ máu ở các vùng xung quanh.
- Do tập luyện thể dục không đúng cách: Việc luyện tập thể dục thể thao không đúng cách như không khởi động kĩ trước khi tập, không bảo hộ cơ quan sinh dục có thể gây tổn thương tinh hoàn hoặc sự co giãn đột ngột cơ nâng bìu dẫn đến xoắn tinh hoàn.
- Viêm thừng tinh hoặc viêm tinh hoàn – mào tinh hoàn: viêm nhiễm sẽ làm thay đổi cấu trúc, kích thước tinh hoàn, dẫn đến tinh hoàn dễ xoắn hơn bình thường. Tuy nhiên nguyên nhân này tương đối ít gặp
- Ung thư tinh hoàn: Rất hiếm gặp,có một vài trường hợp đến khám với chúng tôi vì lí do đau vùng bìu, siêu âm và chụp MRI đều cho kết quả hướng tới xoắn tinh hoàn. Tuy nhiên trong cuộc mổ và kết quả giải phẫu bệnh lại cho kết quả là ung thư tinh hoàn. Vì vậy nam giới cần lưu ý những trường hợp sưng, đau tinh hoàn kéo dài. Bởi độ tuổi mắc ung thư tinh hoàn và xoắn tinh hoàn có 1 vài nét tương đồng là thường gặp ở người trẻ, do đó luôn luôn cảnh giác để tránh bỏ sót hoặc chẩn đoán nhầm.
5. Xoắn tinh hoàn nếu không can thiệp kịp thời sẽ nguy hiểm như thế nào?
Xoắn tinh hoàn là một bệnh lý cấp cứu nam khoa rất nguy hiểm, bệnh có thể gây ra những biến chứng, tổn thương nặng nề cho bệnh nhân như :
- Gây hoại tử, mất tinh hoàn: đối với những trường hợp đến muộn có thể gây thiếu máu tinh hoàn không hồi phục, bắt buộc bác sĩ phải cắt tinh hoàn để cứu tính mạng bệnh nhân
- Gây teo tinh hoàn: gặp ở những trường hợp có tiền sử xoắn tinh hoàn nhưng không được điều trị và gây teo tinh hoàn, mất chức năng của tinh hoàn
- Áp xe hóa tinh hoàn: ở những trường hợp xoắn tinh hoàn gây hoại tử tinh hoàn, có thể xuất hiện tình trạng áp xe hóa ở tinh hoàn hoại tử
- Ảnh hưởng đến tâm lí bệnh nhân, luôn lo lắng, tự ti vì không đủ 2 bên tinh hoàn như người bình thường
- Ảnh hưởng đến hạnh phúc lứa đôi: Thống kê cho thấy, nhiều bạn nữ sau khi quan hệ với nam giới thấy chỉ có 1 bên tinh hoàn thì thường lo lắng đến khả năng con cái của người yêu, gây ảnh hưởng đến tình cảm, hạnh phúc của nhiều đôi bạn trẻ
- Suy sinh dục: Tương đối hiếm gặp ở nam giới có tình trạng xoắn tinh hoàn dẫn đến mất 1 bên tinh hoàn, chức năng tinh hoàn bên còn lại giảm chức năng dẫn đến tình trạng suy sinh dục nguyên phát ở nam giới
- Rối loạn chức năng tình dục: Xoắn tinh hoàn nếu không điều trị kịp thời, không bảo tồn được tinh hoàn có thể gây ảnh hưởng tâm lý cũng như suy giảm testosterone dẫn đến mắc phải những rối loạn chức năng tình dục như: rối loạn cương dương, giảm ham muốn tình dục, xuất tinh sớm
- Vô sinh: Đã có những báo cáo cho thấy ở một số bệnh nhân có tình trạng xoắn tinh hoàn 2 bên hoặc xoắn tinh hoàn 1 bên không bảo tồn được phải cắt 1 bên, tinh hoàn còn lại không đảm nhiệm được chức năng dẫn đến vô sinh
6. Điều trị xoắn tinh hoàn
6.1 Tháo xoắn bằng tay
Trước đây, có những trường phái điều trị xoắn tinh hoàn giai đoạn sớm bằng cách tháo xoắn bằng tay. Tuy nhiên hiện nay rất ít được áp dụng vì những ưu, nhược điểm sau:
Ưu điểm:
- Tiện lợi
- Can thiệp không xâm lấn, không cần dao mổ
- Có thể áp dụng với các bác sĩ không có kĩ năng về phẫu thuật
- Thực hiện được ở các cơ sở không có phòng mổ, không có điều kiện phẫu thuật
- Xử lý tạm thời khi chưa có các xét nghiệm phục vụ cho cuộc mổ
Nhược điểm:
- Đòi hỏi phải có siêu âm dẫn đường
- Cần bác sĩ có kinh nghiệm khám lâm sàng để xác định hướng xoắn, số vòng xoắn của tinh hoàn
- Chỉ có tác dụng giải quyết tạm thời, và cần phải can thiệp phẫu thuật sớm nhất có thể
- Làm trễ khoảng “thời gian vàng” để cứu tinh hoàn
Do đó, hiện nay tháo xoắn bằng tay dường như chỉ có giá trị về mặt lí thuyết hơn là thực hành.
6.2 Phẫu thuật xoắn tinh hoàn
Theo nghiên cứu của Schneck và các khuyến cáo khác của các hội nam khoa trên thế giới, phẫu thuật được thực hiện khi có chẩn đoán xoắn tinh hoàn. Hoặc khi nghi ngờ có xoắn tinh hoàn thì cần tiến hành phẫu thuật thăm dò để cứu tinh hoàn càng sớm càng tốt mà không cần chờ xét nghiệm để chẩn đoán xác định xoắn tinh hoàn.
Phẫu thuật cấp cứu xoắn tinh hoàn
Thời gian lí tưởng nhất để cứu tinh hoàn là trước 6 giờ kể từ khi xuất hiện triệu chứng. Ngoài ra, tiên lượng hiệu quả trong mổ phụ thuộc 2 yếu tố:
Thứ nhất là thời gian từ khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng đến lúc phẫu thuật:
- Nếu đến sớm trước 6 tiếng kể từ khi bắt đầu có triệu chứng thì khả năng bảo tồn, giữ được tinh hoàn là 95%
- Nếu đến muộn quá 24 giờ thì khả năng bảo tồn chỉ còn khoảng <7%
- Vì vậy, người bệnh và gia đình đặc biệt là các bậc cha mẹ cần phát hiện sớm, hết sức cảnh giác không nên chủ quan khi thấy có triệu chứng đau cấp tinh để tránh những hậu quả đáng tiếc
Thứ hai là số vòng xoắn: với số vòng xoắn càng lớn thì mức độ thiếu máu càng nặng, dẫn đến thời gian tinh hoàn chịu được mức độ thiếu máu sẽ kém hơn.
7. Những thông tin cần biết về trường hợp xoắn tinh hoàn
- Hiện không có phương pháp nào phòng ngừa sớm việc xoắn tinh hoàn.
- Hiếm khi hiện tượng xoắn xảy ra ở cả hai bên. Nếu các bác sĩ loại bỏ một tinh hoàn, tinh hoàn còn lại vẫn có khả năng sản xuất đủ tinh trùng để thụ thai.
Trên đây là một số thông tin về trường hợp xoắn tinh hoàn mà nam giới và các phụ huynh có con nhỏ là trẻ nam cần biết. Để được tư vấn thêm về các bệnh lý nam khoa khác bởi chuyên gia Nam học của Phòng khám Ngoại khoa và Nam khoa Mega Med, quý khách có thể đặt lịch hẹn trực tiếp qua hotline 0987.869.115 của chúng tôi.
Thông tin liên hệ:
Địa chỉ: 354 Trường Chinh, Khương Thượng, Đống Đa, Hà Nội
Liên hệ: 0987.869.115